Các loại đá nhân tạo siêu rẻ, cơ sở thẩm mỹ giá bèo mà không hề biết rằng việc làm này đang ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến răng sâu, sẹo, ê buốt….
Nhiều bạn trẻ khao khát có một nụ cười lấp lánh, “tỏa nắng” nhờ những viên đá, kim cương đính trên răng. Nhưng để giảm chi phí, nhiều người tìm đến các loại đá nhân tạo siêu rẻ, cơ sở thẩm mỹ giá bèo mà không hề biết rằng việc làm này đang ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến răng sâu, sẹo, ê buốt…."Loạn" chất lượng đá, kim cương
Nhiều phòng khám nha khoa cung cấp trọn gói dịch vụ đính đá vào răng song phần lớn phòng khám chỉ tiến hành các thao tác kỹ thuật chứ không cung cấp đá quý. Khách hàng phải tự chủ động để chọn mua những loại đá mình yêu thích. Đá, kim cương được chọn để đính trên răng cũng rất đa dạng, phụ thuộc nhiều vào túi tiền và mức độ "chịu chơi" của khách hàng. Để tìm được một viên đá quý ưng ý và hợp túi tiền, dân "chịu chơi" phải khá tốn tiền của và công sức.
Với những khách hàng dư dả về tài chính, để đảm bảo có chiếc răng đính đá khỏe mạnh, trắng sáng và lấp lánh nhất, họ thường chọn kim cương. Tùy theo kích cỡ (1 ly, 1 ly rưỡi, 2 ly…) mà giá cả khác nhau, thông thường dao động khoảng 500.000 - 900.000 đồng/viên. Có những địa chỉ còn rao bán các loại kim cương cao cấp, kim cương thiên nhiên để đính răng với giá lên tới 1.600.000 - 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, giá thật của chúng là bao nhiêu thì có lẽ không ai biết, và để kiểm nghiệm xem kim cương có "đúng chuẩn" hay không thì khách hàng phải bỏ ra thêm 150.000 đồng.
Thùy Dương (24 tuổi, Kim Mã, Hà Nội) với kim cương đính trên răng bày tỏ: "Nếu không tinh ý thì rất dễ mua hớ, thậm chí mua phải kim cương giả. Có những tiệm vàng bán một viên kim cương có giá lên tới 3.000.000 đồng nhưng lại có cửa hàng online chỉ bán viên kim cương có chất lượng giống hệt vậy mà giá chỉ 1.600.000 đồng".
Mặt khác, không phải hầu bao của khách hàng nào cũng rủng rỉnh để chi ra số tiền lớn mua kim cương đính răng. Để đáp ứng cho một bộ phận không nhỏ khách hàng bình dân (thường là học sinh, sinh viên), nhiều chủ hàng chào bán các loại đá, kim cương nhân tạo, pha lê với giá "bèo", chỉ từ 100.000 - 320.000 đồng/viên (tùy kích cỡ).
Không phải khách hàng nào cũng đủ tiền để đính lên răng những viên đá quý, kim cương
Các loại đá nhỏ siêu rẻ này được quảng cáo rất hấp dẫn: "Hãy tô điểm cho nụ cười của bạn bẳng những viên đá, viên pha lê với rất nhiều kích cỡ khác nhau. Chất lượng đá thì các bạn yên tâm, đảm bảo độ sáng, trong, mang lại cho bạn sự hài lòng"; "Có rất nhiều màu sắc cho bạn lựa chọn: trắng, hồng, xanh, đỏ, tím nhạt" hoặc "Đá xịn, không phải hàng vớ vẩn, tuyệt đối không rơi hoặc rụng đá". Các cửa hàng còn có những chương trình khuyến mãi, giảm giá để câu kéo người mua như: giảm giá 10% cho các đơn hàng trên 5.000.000 đồng, giảm giá cho khách hàng mua 3 viên trở lên…. Thậm chí, có nơi còn "nhiệt tình" tới mức sẽ giới thiệu cho khách hàng những địa chỉ đính đá vào răng uy tín?!
Đa số các chủ hàng giới thiệu rằng đá họ bán có xuất xứ từ Thái Lan, thế nhưng không hề có bất kỳ một thông số nào để chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như các chỉ tiêu về chất lượng của sản phẩm.
Được biết trên thị trường hiện nay có những loại đá, kim cương nhân tạo "rởm" được làm từ nhựa nên khi đính vào răng đá dễ bị sứt, không sáng, dễ bong.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong nha khoa, kỹ thuật gắn đá vào răng được đánh giá là khá dễ dàng và thường chỉ kéo dài trong vòng 15 - 20 phút. Theo đó, đầu tiên bác sỹ sẽ xem xét kích cỡ của viên đá, gây tê rồi khoan một lỗ trên bề mặt răng sao cho vừa kích cỡ của viên kim cương; sau đó, chiếu đèn halogen và dùng loại keo đặc biệt của nha khoa để gắn hạt kim cương lên, giữ chặt trong vài phút. Ngoài cách gắn trực tiếp lên răng, một số người muốn bọc răng sứ rồi mới gắn kim cương lên, nhằm tránh tạo ra "vết sẹo" cho răng thật hoặc dùng phương pháp bọc composite hoặc sứ ra ngoài để tránh sâu răng. Kỹ thuật đính đá vào răng không quá phức tạp tuy nhiên khi thực hiện lại phải cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng của khách hàng.
Ban đầu, thường chỉ có các phòng khám nha khoa xuất hiện dịch vụ này, đến khi những viên đá trở thành "cơn sốt", nhu cầu ngày một tăng thì cũng là lúc gắn đá vào răng được quảng cáo ở khắp nơi, nhiều thẩm mỹ viện cũng mở ra dịch vụ này để đón đầu trào lưu. Thế nhưng chất lượng của những dịch vụ ở các cơ sở này đảm bảo đến đâu thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Việc sử dụng đá kém chất lượng, gắn đá không đúng kỹ thuật sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng
Theo các nha sỹ tại Trung tâm Nha khoa, nếu khách hàng sử dụng đá trong nha khoa có đáy phẳng thì hoàn toàn không gây hại gì cho răng. Một số loại đá được rao bán trên thị trường không kết hợp tốt với thuốc gắn bằng loại chuyên dụng trong nha khoa nên thường dễ sứt hơn đá dùng trong nha khoa.
Do đó, tốt nhất nên chọn loại đá nha khoa để tránh làm ảnh hưởng tới mô răng và kết hợp tốt với thuốc gắn. Trường hợp khách hàng dùng các loại đá bán trên thị trường có đáy nhọn thì khi đá bị bong, rơi, khách hàng nên trám thẩm mỹ cho răng để bịt kín lỗ này lại vì vị trí này dễ đọng thức ăn và gây sâu răng. Độ bền của đá gắn trên răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí gắn, loại đá gắn, cách chăm sóc răng miệng tại nhà và thói quen ăn uống… Nếu chú trọng những điều này, khách hàng sẽ làm tăng tuổi thọ của viên đá gắn trên răng.
Một số bác sỹ nha khoa khác thì cho biết việc gắn đá vào răng có tác động nhất định đến bộ nhai. Nếu kỹ thuật khoan không đảm bảo sẽ khiến răng có thể bị ê buốt đặc biệt là khi ăn đồ nóng hoặc lạnh. Nếu thực hiện gắn đá vào răng ở những cơ sở không đảm bảo thì rất dễ dẫn đến tình trạng đá ở răng nhanh chóng bị rơi, bong.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét